4/05/2009

Giao nhận vận tải luôn cần người làm logistics chuyên nghiệp




Theo nghiên cứu và đánh giá của Viện Nomura (Nhật Bản), các doanh nghiệp kho vận (logistics) tại VN hiện chỉ đáp ứng được 1/4 nhu cầu thị trường logistics. Nguyên nhân và cũng là bài toán nan giải chính là nguồn nhân lực
Thiếu cả lượng và chất

VN hiện có khoảng 600 doanh nghiệp (DN) logistics. Theo ông Vũ Xuân Phong - Tổng thư ký Hiệp hội Giao nhận kho vận VN (VIFFAS), thì hầu hết các DN này có quy mô nhỏ và rất nhỏ. Nhân lực cho hoạt động logistics hiện đang thiếu trầm trọng. VIFFAS ước tính, số nhân viên trong các Cty hội viên có khoảng 4.000 người, và thêm khoảng 4.000-5.000 người hoạt động bán chuyên nghiệp. Đội ngũ nhân viên nghiệp vụ, phần lớn tốt nghiệp đại học nhưng không chuyên. 

Đội ngũ CNLĐ trực tiếp thì phần đông trình độ học vấn thấp, chưa được đào tạo tác phong làm việc chuyên nghiệp. Trong khi đó, chúng ta vẫn chưa có một trường chuyên ngành về 
logistics, sinh viên chỉ được học 15-20 tiết trong môn vận tải và bảo hiểm ngoại thương, và nội dung chủ yếu nghiêng về vận tải biển và giao nhận đường biển. 

Kiến thức và kỹ năng liên quan đến vận tải đa phương thức, liên vận chuyển, thiếu và mờ nhạt; việc này đòi hỏi người làm phải biết thiết kế đường liên vận cho hàng hóa theo yêu cầu door-door (dịch vụ logistics thứ tư - thứ bậc cao nhất), phải thông thuộc mạng lưới giao thông vận tải để tính toán, chọn phương án tối ưu theo yêu cầu chủ hàng, giải quyết việc tiếp chuyển giữa các phương thức vận tải và các chứng từ hàng hoá liên quan đến quá trình vận chuyển, ngoài luật pháp VN. Người làm logistics nhất thiết phải am hiểu sâu sắc và vận dụng hiệu quả luật pháp, tập quán thương mại quốc tế. 

Đối với vận tải bằng đường hàng không, hiện tổ chức IATA (Hiệp hội Vận tải hàng không quốc tế) thông qua VN Airlines đã tổ chức một số lớp học nghiệp vụ và thi cấp bằng IATA có giá trị quốc tế. Tuy nhiên, chương trình này vẫn không tiến triển do tính không chính thức, số lượng hạn chế, mang tính nội bộ, chưa được tổ chức bài bản.

Vẫn chỉ làm thuê

Nguồn nhân lực thiếu và yếu, cộng thêm những lý do: Trình độ công nghệ logistics (mang tính chất thủ công, giấy tờ) khả năng ứng dụng công nghệ thông tin kém, phương tiện vận tải còn lạc hậu, cũ kỹ, năng suất lao động thấp, hạ tầng cơ sở không đáp ứng yêu cầu, tổ chức quản lý không đồng bộ, nên thực tế, hầu hết DN VN chỉ như những là cung cấp dịch vụ vệ tinh, làm thuê cho các Cty logistics nước ngoài, họ chỉ cung cấp các dịch vụ logistics cơ bản như khai quan, vận tải, chưa có doanh nghiệp nào đủ sức tổ chức, điều hành toàn bộ quy trình hoạt động logistics.

Theo cam kết gia nhập WTO của VN, 5 năm kể từ ngày gia nhập, các Cty vận tải biển nước ngoài có thể thành lập DN 100% vốn đầu tư nước ngoài tại VN. Đối mặt với áp lực cạnh tranh gay gắt, các doanh nghiệp ngành dịch vụ logistics VN sẽ phải tự "chèo chống" để tồn tại. Với bài toán về nhân lực, trước mắt cần tổ chức thêm nhiều lớp bồi dưỡng kiến thức logistic trong nước và nước ngoài thông qua các tổ chức như Uỷ ban Kinh tế và Xã hội Châu Á - Thái Bình Dương (ESCAP), Hiệp hội Giao nhận Châu Á (AFFA), Liên đoàn các Hiệp hội giao nhận quốc tế (FIATA)... về lâu dài, cần chú trọng phát triển các khóa đào tạo dài hạn tại các trường đại học, cao đẳng.

Ủy ban Quản lý logistics (CLM) - một tổ chức chuyên nghiệp về logistics dùng thuật ngữ logistics management để chỉ: "Quá trình lập kế hoạch, thực hiện và quản lý một mặt hàng nào đó dòng luân chuyển và lưu kho hàng hoá, dịch vụ và thông tin liên quan từ điểm khởi đầu đến nơi tiêu thụ nhằm thoả mãn yêu cầu của khách hàng." (CLM.1993)
Các nghiên cứu gần đây cho thấy, chỉ riêng hoạt động logistics đã chiếm từ 10 đến 15% GDP của hầu hết các nước tại Châu Âu, Bắc Mỹ và Châu Á - Thái Binh Dương. Tạp chí Forture khảo sát 69% trong tổng số 500 Cty hàng đầu của Hoa Kỳ thuê ngoài dịch vụ logistics. Nguyên do: 
- Các Cty logistics chuyên nghiệp hơn. 
- DN không phải đầu tư vào hệ thống kho bãi và trang thiết bị vận tải. 
- Tốc độ đưa hàng ra thị trường nhanh hơn. 
- DN không tốn kém chi phí cho hệ thống thuê bãi và vận tải.
Đòn bẩy lợi nhuận từ logistics (profit leverage from logistics) đã trở thành một vũ khí chiến lược trong cạnh tranh trên thị trường.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét