4/05/2009

Nhân lực cho ngành logistics: Chắp vá



08:52' AM - Thứ sáu, 12/12/2008

Sức hút mạnh mẽ của lĩnh vực luôn được coi là "hái ra tiền" logistics đã khiến số lượng những doanh nghiệp trong nước tham gia vào nhóm ngành này đã lên tới con số hàng nghìn doanh nghiệp. Tuy nhiên, cũng chính vì sự phát triển theo nhiều chuyên gia là "khá nóng" này, các doanh nghiệp kinh doanh loại hình dịch vụ này đang rất lúng túng trong việc tìm kiếm người tài. Có lẽ không gì chính xác hơn cụm từ "muối bỏ bể" khi nói về nguồn nhân lực trong lĩnh vực đang giành được sự quan tâm đặc biệt của nhiều doanh nghiệp này.
Nếu như những năm đầu thập niên 90, số doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ giao nhận, logistics chỉ đếm được trên đầu ngón tay thì đến nay, như đã nói ở trên, số doanh nghiệp kinh doanh loại hình dịch vụ “béo bở” này đã lên tới hàng ngàn doanh nghiệp. Thời kỳ cao điểm, gần như tuần nào cũng có một công ty giao nhận, logistics được cấp phép hoạt động hoặc bổ sung chức năng logistics. Chính sự phát triển tới mức ồ ạt này đã dẫn đến tình trạng thiếu hụt trầm trọng nguồn nhân lực cung cấp cho thị trường logistics. Bên cạnh việc thiếu hụt về số lượng thì chất lượng của nguồn nhân lực này cũng là vấn đề đáng bàn.
Cần phải nói rằng, giao nhận kho vận và điều hành logistics là một công nghệ mang tính chuyên nghiệp cao nên nhân lực hoạt động trong lĩnh vực này cần được đào tạo một cách có hệ thống và được trang bị đầy đủ kiến thức như những nhà giao nhận quốc tế. Song, trên thực tế, các cán bộ, nhân viên hoạt động trong lĩnh vực giao nhận, logistics hiện tại chủ yếu được đào tạo từ trường đại học Kinh tế và đại học Ngoại thương. Một số ít được bổ sung từ các trường giao thông, hàng hải và thậm chí là trường đại học ngoại ngữ. Vấn đề đáng quan tâm là nghiệp vụ logistics chưa được xây dựng thành môn học, chưa có trường đại học nào đào tạo hay mở những lớp bồi dưỡng ngắn hạn. Các bài giảng trong nhà trường mới chỉ tập trung giới thiệu những công việc trong giao nhận, quy trình và các thao tác thực hiện qua các công đoạn. Chương trình tương đối lạc hậu, giảng dạy theo nghiệp vụ giao nhận truyền thống là chủ yếu. Các kỹ thuật giao nhận hiện đại ít được cập nhật hóa như vận tải đa phương thức, kỹ năng quản trị dây chuyền chuỗi cung ứng… Tính thực tiễn của chương trình giảng dạy không cao, làm cho người học chưa thấy hết vai trò và sự đóng góp của logistics, giao nhận vận tải trong nền kinh tế. Có thể khẳng định rằng các chuyên gia được đào tạo chuyên nghiệp về lĩnh vực này quá ít so với yêu cầu phát triển dịch vụ. Phần lớn kiến thức mà cán bộ công nhân viên trong ngành có được là từ thực tiễn khi làm đại lý hoặc đối tác cho các công ty nước ngoài chuyên làm dịch vụ này.
Với một nguồn nhân lực chắp vá, vừa thiếu lại vừa yếu, chúng ta sẽ không có nổi một cơ hội để cạnh tranh bình đẳng với các đối thủ đến từ những hãng vận tải lớn và danh tiếng của nước ngoài đang xuất hiện ngày càng nhiều ở nước ta. Có thể khẳng định tính cấp thiết của việc đào tạo, phát triển nguồn nhân lực cung cấp cho dịch vụ logistics hàng hải quốc tế. Theo nhiều chuyên gia, nhiệm vụ trọng tâm trước mắt của chúng ta là phải cập nhật những kiến thức luật pháp trong nước và quốc tế về vận tải đa phương thức, các hoạt động chính của logistics và kỹ năng vận hành dịch vụ logistics cho nguồn nhân lực hiện có. Song song với việc đào tạo nghiệp vụ chuyên môn là đào tạo nâng cao trình độ tiếng Anh, đảm bảo được việc giao dịch, thủ tục và lập chứng từ nghiệp vụ. Việc đào tạo cần được tiến hành ở cả ba cấp độ cán bộ hoạch định chính sách, quản lý và nghiệp vụ cụ thể. Một nguồn nhân lực được đào tạo bài bản sẽ là chìa khoá thành công cho các doanh nghiệp kinh doanhlogistics của chúng ta vốn còn đang rất nhỏ lẻ và thiếu kinh nghiệm “chiến trường”.
• Theo bảng xếp hạng của Ngân hàng thế giới về chỉ số hiệu quả hoạt động logistics, Việt Nam đứng thứ 53 trên toàn thế giới và thứ 5 trong khu vực ASEAN.
• Trong một hội thảo về logistics hồi tháng 9 năm nay, các chuyên gia cho biết chi phí logistics của Việt Nam chiếm đến 25% GDP, chứng tỏ dịch vụ này chưa phát triển trong khi chi phí này ở Mỹ chiếm 9,5% GDP, Nhật là 11%, Hàn Quốc 16%, Trung Quốc 21,6%. Một trong những yếu kém của dịch vụ logistics tại Việt Nam là thiếu nguồn nhân lực.

1 nhận xét:

  1. Em cũng đang là sinh viên đam mệ về logistics. NHưng hầu hết em chẳng thấy khóa đào tạo nào mang tính chất cơ bản dành cho sinh viên hết. Chỉ toàn khóa học 2 hoặc 3 ngày để nắm kiến thức về logistics dành chó các DN mà thôi.
    Bây giờ, là thời điểm chúng ta cần nên đẩy mạnh ngành này thông qua các chương trình học cụ thể và logic. Có như vậy trong tương lai VN mới đảm bảo được chất lượng về kỹ năng logistics được

    Trả lờiXóa