3/18/2009

Logistics Việt Nam : vẫn ngọa hổ tàng long?

Vậy là một năm đầy biến động của nền kinh tế cũng như ngành dịch vụ logistics đã trôi qua. Dù không hề dễ chịu chút nào, nhưng thuốc đắng vẫn dã tật. Nhiều doanh nghiệp đã mường tượng ra những khó khăn mà họ sẽ còn phải đối mặt với nó dài dài.

Và lẽ dĩ nhiên năm 2009 cũng sẽ là một năm khó đoán hơn bao giờ hết. Liệu nền kinh tế thế giới và Việt Nam có phục hồi sớm hay không? Liệu ta còn chứng kiến sự tăng trường đầy hào hứng như những ngày tháng qua? Liệu tương lai của ngành dịch vụ logistics sẽ đi về đâu trong bối cảnh ấy? Còn rất rất nhiều câu hỏi mà chúng ta có thể đặt ra cho năm 2009. Riêng tôi thì xin mạn đàm về những gì doanh nghiệp logistics cần làm cho năm 2009, cơ hội hay thách thức nhiều hơn đều phụ thuộc vào cách chúng ta nhìn nhận vấn đề mà thôi.

Thị trường logistics sẽ tiếp tục vẫn tăng trưởng

Đây có phải là đánh giá lạc quan hay không thì khoan bàn đến. Bởi vì tăng trưởng đồng nghĩa với việc lớn hơn không, nhưng không đồng nghĩa với con số sẽ là vài chục phần trăm như những năm qua.

Nếu nhìn sâu hơn thì phân khúc thì trường 2PL (vận tải, giao nhận,..) sẽ vẫn còn phải đối mặt với những khó khăn mà đáng kể nhất là nhu cầu giảm, tuy được bù lại bởi yếu tố xăng dầu giảm mạnh. Song theo đánh giá của nhiều chuyên gia thì xăng dầu vẫn là một ẩn số khó đoán trong năm 2009. Với những gói kích cầu quy mô lớn của các chính phủ sẽ là nguồn động lực tăng trưởng cho toàn bộ nền kinh tế thế giới không loại trừ Việt Nam.

Trong khi đó phân khúc 3PL nội địa cũng sẽ tiếp tục tăng trưởng bởi lẽ các doanh nghiệp đang cảm thấy áp lực phải thuê ngoài dịch vụ 3PL ngày càng lớn. Đấy là nền tảng cho một sức cạnh tranh bền bỉ , một xu thế không thể cưỡng lại nổi.

Nhưng áp lực cạnh tranh ngày càng lớn

Đã đến lúc ta tự hỏi liệu trong cái bánh logistics ngày càng lớn ấy thì các doanh nghiệp Việt Nam được mấy phần? Tôi cũng đã cố tìm qua những con số thống kê, nhưng rất tiếc là không hề có hoặc nó đang ẩn ở đâu đó. Nhưng hãy cứ nhìn qua một vài ví dụ thì chúng ta cũng thấy rõ thôi mà. Ví dụ, trong lĩnh vực vận tải đường biển container, gần như là thống trị bởi các nhà vận chuyển nước ngoài mà ta có thể điểm mặt như Maersk Line, CMA CGM, APL, NYK, ..còn trong lĩnh vực vận tải giao nhận ta thấy có mặt Kuehne-Nagel, Schenker, DHL Global Forwarding, Agility..trong khi 3PL lại bị các đại gia như DHL/Exel Logistics, Kuehne-Nagel, Schenker, Agility, Toll, Linfox, ..Trong khi các đại gia này không ngừng gia tăng áp lực nhằm chiếm lĩnh miếng bánh logistics thì cũng là lúc Việt Nam đang chuẩn bị phải mở cửa thị trường logistics theo cam kết với WTO vào những năm tới. Điều đó đồng nghĩa đối thủ nước ngoài của chúng ta đang ngày càng có nhiều lợi thế hơn. Vậy trong lúc này thì các doanh nghiệp logistics Việt Nam đang ở đâu? Họ đang làm gì để vượt qua? Hay họ chấp nhận điều đó những một tình thế không thể tranh khỏi và chịu nhường bước cho đối thủ? Họ là ai? Ta có thể kể vài cái tên đã từng có truyền thống xây dựng và phát triển từ khá lâu như Sotrans, Vinatrans, Transimex, Vosa,..Nhưng có vẻ như chúng ta đang đuối sức thì phải?

Sóng cao có vững tay chèo?

Nói như thế không có nghĩa tất cả đối thủ nước ngoài có thể một tay che cả bầu trời? câu trả lời là không. Trong cái lý thuyết ba vòng tròn khép kín xếp khớp vào nhau thì vẫn luôn có khoảng trống. Đầy lá khoảng trống mà chúng ta cần lấp đầy một cách xuất sắc trước khi có thể tiếp tục mở rộng. Năm 2009, sẽ vần là năm mà các doanh nghiệp logistics cần tái định vị và tìm kiếm không ngừng nghỉ sự khác biệt với chính mình trước đây và đối thủ cạnh tranh. Điều ấy cần một chiến lược dài hạn hơn là những chiến thuật ngắn hạn, ăn xổi ở thì – một tâm lý phổ biến trong những ngành công nghiệp được bảo hộ.

Ta hãy xem các doanh nghiệp 3PL của nước ngoài họ định vị sự khác biệt của mình như bảng dưới đây. Câu hỏi, vậy thì nếu là một doanh nghiệp logistics bạn sẽ đặt mình ở đâu? Đâu là sự khác biệt cốt lõi của bạn?

Bảng : Các điểm khác biệt dịch vụ logistics của 3PL nước ngoài

Systems capabilities, superior IT solutions (9).

Năng lực về hệ thống, khả năng đem lại giải pháp CNTT xuất sắc

Broad geographic coverage, global reach (9).

Phạm vị bao phủ rộng trên toàn cầu

Commitment to high-quality customer service (7).

Cam kết chất lượng dịch vụ khách hàng xuất sắc

Non-asset approach (4).

Phát triển bằng mô hinh phi tài sản

Excellent execution of solutions for customers (4).

Thực thi hoàn hảo các giải pháp cho khách hàng

Breadth of service offerings (4).

Sự đa dạng dịch vụ cung cấp

Network strength, end-to-end (3).

Sức mạnh mạng lưới đầu cuối (end-to-end)

Extensive asset base (2).

Phát triển mô hình kinh doanh dựa trên tài sản

Consistency of service across countries (2).

Tính nhất quán dịch vụ cung cấp trên nhiều quốc gia, vùng miền

Innovative approach to problem-solving (2).

Tiếp cận sáng tạo trong giải quyết khó khăn

Ability to demonstrate quantifiable value propositions to customers (2).

Khả năng đem lại những giá trị ước lượng bằng tiền được cho khách hàng

Talented employees (2).

Đội ngũ nhân sự tài năng

Flexibility (2).

Linh hoạt

Experience in specific industries (2).

Có kinh nghiệm sâu sắc trong một số ngành CN cụ thể.

Củng cố đội ngũ nhân lực chuyên nghiệp

Đó là nhiệm vụ không chỉ của trường đại học hay của những trung tâm đào tạo mà bản thân mỗi doanh nghiệp Việt Nam phải cần phải tự xây cho mình. Chúng ta đang thiếu mà thiếu đội ngũ nhân lực được đào tạo bài bản, thiếu cả đội ngũ những nhân tài thực sự trong ngành logistics. Một ngành không có nhiều sự hấp dẫn, thô ráp cũng sẽ là trở ngại thu hút nhân tài. Trong thời của những ngành như tài chính, ngân hàng, chứng khoán, địa ốc, hay marketing hưng thịnh thì quả là khó cho ta. Nhưng thời thế nay đã khác, trong bối cảnh suy thoái, sẽ là cơ hội cho ta thu hút nhân tài. Vây, hãy đầu tư xứng đáng thì chúng ta cũng sẽ có được kết quả đáng mong đợi. Câu hỏi đặt ra đào tạo thế nào? Đó cũng là câu hỏi khó, bởi phần lớn các doanh nghiệp Việt Nam ý thức được vai trò của logistics và sự phát triển ngày càng tiến bộ của dịch vụ logistics nhưng họ lại thiếu một nền tảng vững chắc để xây dựng một hệ thống các chương trình đào tạo bài bản. Phải nói là chúng ta đang thiếu một chương trình như thế. Hãy xem APL Việt Nam đã bỏ công sức để tìm kiếm nhân tài để đào tạo tại nước ngoài, nhưng gần 2 năm rồi mà vẫn còn đang mỏi mắt dõi tìm.

CNTT không phải là “viên đạn bạc” nhưng vô cùng quan trọng.

Phải nói thế này, ý thức về vai trò của CNTT trong dịch vụ logistics của chúng ta có, nhưng chưa đủ sâu. Một phần xuất phát từ năng lực, trình độ và tầm nhìn của nhà quản lý nhưng phía bên kia chính là tâm lý ngại rủi ro lớn. Bởi đầu tư cho CNTT không phải là chuyện ngày một ngày hai mà nó là quá trình đôi khi rủi ro cao bởi vốn đầu tư danh cho nó, nhưng theo tôi rủi ro lớn chính là chúng ta không tận dụng hết nó. Nếu hỏi tôi khoản đầu tư nào sẽ dành cho năm 2009 thì tôi sẽ chắc chắn một câu rằng chính là CNTT, thời điểm ta củng cố năng lực của mình. Nhưng chúng ta cũng đừng quá kỳ vọng CNTT sẽ là chén thánh tạo ra sự phát triển đột biến. Trên hết , CNTT cùng với các enablers khác như con người, quy trình, hệ thống tài sản để tạo thành khối hài hòa thống nhất đem lại dịch vụ chất lượng cao cho khách hàng. Và chúng ta cũng cần phải hiểu rõ ràng rằng chúng ta đang đầu tư cho loại CNTT nào? Đầu tư ra sao? Tổng chi phí sở hữu (total cost of ownership) sẽ chiếm bao nhiêu doanh thu cho từng năm? Và câu hỏi quan trọng hơn cả là khách hàng cần gì từ hệ thống CNTT ấy?


Tiếng nói của người làm dịch vụ logistics

Bạn chẳng thể nào tiếp cận khách hàng tốt nếu như bạn không cất tiếng nói của mình. Đó là cách chúng ta đi vào tâm trí (mind) của người sử dụng. Bấy lâu nay, chúng ta mới làm ở danh nghĩa, mới làm ở hình thức những hội hoạt động yếu ớt cầm chừng. Vậy thì năm 2009 sẽ là lúc chúng ta cùng cất tiếng, thể hiện mình, đặt mình ở những vị thế khác biệt đem lại giá trị thực sự cho khách hàng trên một nền tảng dài hạn. Quan trọng hơn hết đó là những chiến lược Marketing bài bản, có hệ thống bởi như thế sẽ hiệu quả hơn. Vấn đề không phải là chi phí mà là cách thực hiện sáng tạo, có hệ thống, và cần một sự liên kết trong ngành. Chúng ta đồng thanh hát sẽ vang xa hơn hẳn. Vậy thì tại sao không làm nhỉ? Bao giờ thì ta hết “ngọa hổ tàng long”, điều đó hẳn sẽ phụ thuộc vào hành động của chính những người trong cuộc.

Trần Đạt

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét